Đề xuất “Con đường di sản” kết nối công viên ven sông khu trung tâm Sài Gòn
Ngày đăng: 22-03-2022
Lượt xem: 1950
Khu vực được đề xuất là từ cầu Tân Thuận (phía quận 4) đến cầu Sài Gòn
(phía quận Bình Thạnh). Đoạn đường ven sông này với nhiều công trình kiến trúc,
cảnh quan đô thị đã được xếp hạng bảo tồn và đối diện là khu đô thị mới Thủ
Thiêm với quy hoạch nhiều công viên cây xanh, quảng trường dọc sông Sài Gòn, sẽ
tạo thành một tổng thể trung tâm xanh cho TP.HCM, mà dòng sông là trung tâm.
“Con đường di sản” ven sông được đề xuất dài khoảng 6,5km, từ
cầu Tân Thuận đến cầu Sài Gòn. (Ảnh: Chí Hùng)
TS-KTS. Lê Văn Năm (nguyên
Kiến trúc sư trưởng TP.HCM; nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM) và
ThS-KTS. Huỳnh Xuân Thụ (nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch TP.HCM)
đã dành thời gian khảo sát và phác thảo phương án ý tưởng quy hoạch cảnh quan
bờ sông Sài Gòn đoạn từ bến Nhà Rồng đến cầu Sài Gòn, từ đó đề xuất chính quyền
TP.HCM ý tưởng quy hoạch, xây dựng “Công viên ven sông khu trung tâm Sài
Gòn - Con đường di sản của TP.HCM”, đoạn đường từ cầu Tân Thuận (quận
4) đến cầu Sài Gòn (Bình Thạnh).
Hai tác giả đề xuất: TS-KTS. Lê Văn Năm (hình trên)
và ThS-KTS. Huỳnh Xuân Thụ (hình dưới)
Trao đổi với Người Đô Thị, KTS. Lê
Văn Năm cho biết đây là đề xuất tâm huyết của ông và KTS. Huỳnh Xuân Thụ, mong
muốn thành phố sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu vực công viên
bờ sông Sài Gòn theo định hướng đó. “Sông Sài Gòn cần được nhìn nhận như di sản
thiên nhiên vật thể và phi vật thể quan trọng hàng đầu của thành phố chúng ta,
là không gian trung tâm đặc biệt quan trọng của thành phố, là điểm đến để người
dân thành phố và du khách thập phương chiêm ngưỡng dòng sông, ôn lại các ký ức
của thành phố và nhìn về tương lai”, KTS. Thụ bày tỏ.
Phác họa “con đường di sản”
Hai tác giả cho biết phạm vi nghiên cứu được
kiến nghị là từ cầu Tân Thuận (phía quận 4) đến cầu Sài Gòn (phía quận Bình
Thạnh), dài khoảng 6,5km. Trên tuyến bờ sông này, đề xuất quy hoạch và tổ chức
công viên và không gian công cộng bờ sông Sài Gòn thuộc 50m hành lang bảo vệ bờ
sông, đã được xác định trong quy hoạch là công viên cây xanh, đồng thời thuộc
các khu đất công do nhà nước quản lý. Đây là các yếu tố thuận lợi bảo đảm tính
phù hợp quy hoạch và tính khả thi cao.
Các khu vực chính trên
tuyến bờ sông bao gồm: khu vực Cảng Sài Gòn (đất công, hiện trạng là bến cảng
và các công trình nhà kho cũ đã xuống cấp, cách mép cảng khoảng trên 35m); khu
vực bến Nhà Rồng (đất công, công trình cách bờ sông 30-35m, là hoa viên hiện
hữu); khu vực bến Bạch Đằng (đất công viên, hiện đang có các công trình nhà
quản lý, bến tàu và một số công trình tạm, chiều rộng 15-30m); khu vực Ba Son
(dự án đầu tư khu cao tầng, khu vực công viên 50m bờ sông là đất công); khu vực
Saigon Pearl (dự án đầu tư khu cao tầng, khu vực công viên 50m bờ sông là đất
công); khu vực Tân Cảng (dự án đầu tư khu cao tầng, khu vực công viên 50m bờ
sông là đất công)
Dọc theo tuyến hành lang bờ sông này hiện đang
có nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị được xếp hạng bảo tồn, có thể
liên kết vào trong tổng thể không gian, cảnh quan của công viên, bổ sung các
giá trị truyền thống, văn hóa cho không gian công viên, như:
Cảng Sài Gòn: từ ngày 25/7/1975, Thương cảng Sài Gòn đã đổi tên thành Cảng
Sài Gòn. Tổng diện tích cảng khoảng 475.000m2 với ba bến xếp dỡ có chiều dài
cầu tàu: bến Nhà Rồng (428m), bến Khánh Hội (1.264m), bến Tân Thuận (866,5m).
Ngày 16/5/2009, TP.HCM bắt đầu di dời các cảng trong hệ thống Cảng Sài Gòn ra
Cảng Hiệp Phước.
Bến Nhà Rồng: là công trình di sản cấp
quốc gia. Đây chính là nơi trưng bày các hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với
chủ đề “Tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam và tình cảm của người dân
miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bến Nhà Rồng và di tích lịch sử Bảo
tàng Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của TP.HCM.
Cột cờ Thủ Ngữ: được người Pháp xây dựng tháng 10/1865 với
tên gọi lúc đầu là Mât des Signaux, có nghĩa “cột tín hiệu” cho tàu bè ra vào
luồng lạch khu vực Sài Gòn - Gia Định. Từ đó đến nay, cột cờ đã trải qua 150
năm với nhiều lần xuống cấp và trùng tu, được xếp hạng di tích cấp thành phố
vào năm 2016. Công trình hiện nằm trong tổng thể chỉnh trang công viên bến Bạch
Đằng, với diện tích khuôn viên 3.530m2.
Công viên Bạch Đằng: tổng chiều dài 1.325m chạy dọc ven sông Sài
Gòn. Người dân thành phố xây dựng nơi này để tưởng nhớ chiến tích hào hùng của
quân dân Đại Việt với trận Bạch Đằng đánh thắng quân Nguyên - Mông năm xưa
(1288).
Công
viên tượng Trần Hưng Đạo:
năm 1967, tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo do nhà điêu khắc Phạm Thông sáng tác đã
được đặt tại vị trí này. Bức tượng Hưng Đạo Đại Vương cao gần 6m, đứng trên một
bục lăng trụ tam giác cao gần 10m. Đây là một công viên đẹp trong khu vực trung
tâm các công trình cao ốc rất hiện đại của thành phố.
Cầu Sài Gòn: là cây cầu với kiến trúc hiện đại, kết cấu thanh thoát, gắn
với nhiều bước ngoặt phát triển quan trọng của thành phố. Hai bên cầu có nhiều
công viên, vườn hoa rộng, đẹp.
Cầu Tân Thuận: là cây cầu huyết mạch trên tuyến bắc - nam
thành phố, được xây dựng từ rất sớm, có kiến trúc đẹp, kết cấu bê tông hiện
đại, là điểm tham quan gắn liền với các công viên bên chân cầu, hài hòa với
cảnh quan sông nước.
Công viên Hải quân: là một đoạn công viên nhỏ, trước đến nay có
bố trí một số khẩu pháo hải quân cổ dọc theo bờ sông. Chủ đề này trong tương
lai có thể khai thác để phát triển thêm thành một phân đoạn của công viên theo
chuyên đề, có thể bố trí tàu hải quân kết hợp giáo dục truyền thống bảo vệ biển
đảo.
Khu vực Ba Son: có ý nghĩa lịch sử và truyền thống cách
mạng. Các công viên dọc sông thuộc khu vực này có thể khai thác các giá trị
truyền thống cách mạng của công nhân, các công trình kiến trúc bảo tồn kết hợp
trong không gian tổng thể của công viên.
Các công trình kiến trúc bảo tồn bên đường Tôn
Đức Thắng: Ngân hàng Nhà nước,
trụ sở Thị trường chứng khoán TP.HCM, trụ sở Hải quan thành phố, khách sạn
Majestic, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân,…
Các không gian đô thị quan trọng: không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ, không gian
phố Hàm Nghi, Đồng Khởi, công viên Trần Hưng Đạo, khu phố đi bộ Ngô Văn Năm...
Kết nối trung tâm thương mại, du lịch sông
nước
Theo khảo sát của hai
tác giả, dọc theo tuyến công viên hiện đã hình thành nhiều khu vực trung tâm
thương mại dịch vụ sầm uất, các khu phố thân thiện với người đi bộ, các khu mua
sắm lớn, hiện đại như khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hàm Nghi; khu
vực đường Hai Bà Trưng, Ngô Đức Kế, Thi Sách; khu vực Vinhomes Ba Son; khu vực
Saigon Pearl; khu vực Vinhomes Tân Cảng… Kết nối các trung tâm này với tuyến
công viên sẽ bổ sung cho người dân và du khách nhiều lựa chọn phong phú, những
trải nghiệm không gian đô thị hiện đại, hấp dẫn.
Dọc theo bờ sông cũng có nhiều bến tàu du lịch
hiện hữu và tương lai có thể bố trí thêm: Vinhomes Park Marina, Saigon Pearl
Station, bến tàu Ba Son, bến tàu buýt Bạch Đằng, bến tàu cao tốc Bạch Đằng,
Saigon Cruise Station, Cảng hành khách Bến Nghé, Cảng Sài Gòn - Khánh Hội, Cảng
Sài Gòn.
“Hình thành dải công viên trung tâm lịch sử của thành phố dọc
theo bờ sông Sài Gòn, là cấu phần quan trọng hàng đầu trong tổng thể không gian
đi bộ trung tâm thành phố, gắn liền với phố đi bộ Nguyễn Huệ thành một tổng thể
hài hòa, đem lại không gian cảnh quan sông nước truyền thống, lịch sử với công
viên, cây xanh tuyệt đẹp cho người dân thành phố cũng như giới thiệu với du
khách thập phương.
Tương lai không xa, công
viên dọc sông Sài Gòn sẽ tiếp nối liên hoàn với các công viên ven sông khác từ
bắc xuống nam, gắn kết với đô thị liên quan như Bình Dương, Biên Hòa, sẽ còn
nhiều sự đa dạng, phong phú lạ thường”, KTS. Thụ cho biết.
“Con đường di sản” được đề xuất kết nối với trung tâm thương mại, du
lịch sông nước của TP.HCM. Trong ảnh: phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến
Bạch Đằng. (Ảnh:
Duy Hiệu)
Những ý tưởng quy hoạch đề xuất
Từ kết quả khảo sát và kinh nghiệm thực tiễn của chuyên gia gắn
bó với công tác quy hoạch TP.HCM gần cả đời người như TS-KTS. Lê Văn Năm, hai
tác giả đã đề xuất những ý tưởng chính kết nối dải công viên bờ sông trung tâm
Sài Gòn thành “con đường di sản”:
Hình thành không gian công viên liên hoàn: lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu công viên
bờ sông Sài Gòn, trong phạm vi đất công, đất công viên của các dự án đã được
thu hồi. Giao một chủ đầu tư có năng lực lập dự án cải tạo và chỉnh trang tổng
thể công viên. Thiết kế công viên cây xanh với những loại cây mang tính đặc
trưng của TP.HCM, với những phân đoạn theo chủ đề hài hòa với không gian đô thị
chung.
Không gian đi bộ phong phú, bản sắc và sáng
tạo: Quy hoạch công viên
bờ sông với nhiều phân đoạn, nhiều chủ đề phù hợp với đặc trưng của từng khu và
bối cảnh đô thị lân cận. Thiết kế cảnh quan bờ sông rộng, thoáng và sinh động.
Tạo nhiều không gian tiểu cảnh hấp dẫn, phong cách thiết kế kiến trúc hài hòa
với khu vực trung tâm hiện hữu của thành phố. Bổ sung các tiện ích đô thị như
chiếu sáng, ghế ngồi, nhà vệ sinh công cộng, vòi uống nước công cộng, âm thanh,
nhạc nước, wifi, 5G, hệ thống camera an ninh, đèn tín hiệu cho người đi bộ, chỗ
để xe đạp, mái che mưa.
Đặc biệt, cần bổ sung các khu vực dịch vụ ăn
uống, mua sắm hàng lưu niệm, văn hóa phẩm… Bố trí các tượng đài, điêu khắc, phù
điêu chủ đề liên quan lịch sử hình thành của thành phố. Thiết kế các không gian
cho các nhóm độ tuổi khác nhau, quan tâm đến thanh thiếu niên và nhi đồng,
người cao tuổi… với các tiện ích phù hợp.
Tôn vinh cảnh quan sông nước và di sản kiến
trúc cảnh quan đô thị: Thiết kế lấy cảnh
quan dòng sông làm trung tâm, tạo điều kiện mở rộng tầm nhìn từ mọi hướng ra
phía dòng sông và hướng đến những cảnh quan đẹp ven sông của cả hai bờ. Hạn chế
tối đa các vật có thể che chắn tầm nhìn của người đi bộ hướng ra dòng sông,
thiết kế nhiều góc nhìn, điểm nhìn, tầm nhìn đẹp hướng ra dòng sông.
Đồng thời, thiết kế quy hoạch và cảnh quan
cũng cần hết sức quan tâm bố trí các điểm kết nối giữa công viên và các không
gian đô thị, các công trình kiến trúc có giá trị; thiết kế các góc nhìn, tầm
nhìn đẹp từ phía công viên về phía các công trình ấy. Đề xuất những dự án thành
phần thiết kế và lắp đặt thiết bị chiếu sáng trang trí, cây xanh cho các công
trình bảo tồn.
Kết nối
các trung tâm văn hóa, du lịch và mua sắm: Thiết kế kết nối giao thông từ đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi,
công viên tượng Trần Hưng Đạo qua công viên Bạch Đằng. Có thể bằng nhiều vật
liệu khác nhau, với những phương án thiết kế được tuyển chọn qua các cuộc thi.
Thiết kế hành lang kết nối thật thuận tiện cho người đi thưởng ngoạn công viên
đến các trung tâm, các tuyến phố mua sắm. Tổ chức các không gian quảng trường
nhỏ gần các trung tâm mua sắm gắn liền với công viên.
Kết nối giao thông công cộng đa phương tiện: Bố trí nhiều bến đỗ xe buýt dọc công viên để
người dân có thể tiếp cận công viên thông qua giao thông công cộng thuận tiện.
Nghiên cứu bố trí thêm các bãi gửi xe hai bánh gần các tuyến cầu vượt cho người
đi bộ qua công viên. Tổ chức lại các bến thủy để các phương tiện kết nối có
trật tự và gia tăng lưu lượng khách tiếp cận bằng đường thủy.
“Ngày nay, khi các đô thị
phát triển mở rộng về không gian, hội nhập quốc tế, nới rộng khoảng cách về
thời gian với khởi nguồn, các dòng sông đang trở thành những di sản thiên
nhiên, vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, là một sợi dây ký ức nối liền
hiện tại với quá khứ và hướng đến tương lai. Những di sản ấy, rất cần được gìn giữ,
tôn tạo để cho người dân tiếp cận, thưởng ngoạn và vun đúc tình cảm với thành
phố mình sinh sống. Các dòng sông cần được tổ chức thành những không gian công
cộng quan trọng nhất, gắn cảnh quan môi trường thiên nhiên rộng mở, trong lành
với các công trình kiến trúc, cảnh quan, đặc biệt là các công trình có giá trị
truyền thống, di sản của đô thị”, KTS. Thụ bày tỏ.
Nguồn:
Người Đô Thị Online