video clip

Bài viết được xem nhiều

Chi tiết

Thành phố Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư 133 dự án

Ngày đăng: 11-10-2017
Lượt xem: 3393

Sáng ngày 11/10/2017, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh 2017” tại Khách sạn REX do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Trần Vĩnh Tuyến chủ trì.

Đến tham dự Hội nghị có các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh; Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp; Ban quản lý Khu công nghệ cao; Ban quản lý Đường sắt đô thị; các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến 2020, tầm nhìn 2025 với quan điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao nhận thức dân cư, gắn với bảo vệ môi trường. Quan điểm phát triển nêu trên được cụ thể hóa thành mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn vế kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Nhiều chỉ tiêu được đề ra như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 8,5%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp -  nông nghiệp. Trong đó tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm 56 - 58%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GDRP bình quân hàng năm từ 35% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 9.800 USD/người/năm.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung kêu gọi đầu tư vào 09 nhóm ngành dịch vụ là: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Du lịch; Vận tải, cảng và kho bãi; Bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; Kinh doanh tài sản bất động sản; Tư vấn; Khoa học công nghệ; Y tế; Giáo dục và đào tạo và 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; Điện t– công nghệ thông tin; Hóa chất – nhựa - cao su; Chế biến tinh lương thực thực phẩm. Bên cạnh đó, Thành phố chuyển dịch cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Thành phố cũng quyết tâm triển khai 7 chương trình đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần X đề ra, bao gồm: Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng; Chương trình nâng cao chất lượng cạnh tranh của kinh tế thành phố trong thời k hội nhập; Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Huỳnh Xuân Thụ - Giám đốc Trung tâm Thông tin Quy hoạch (Sở Quy hoạch Kiến trúc) cho biết Thành phố hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực và Đông Nam Á, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển (hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển; hai hướng phụ là hướngTây - Bắc và hướng Tây, Tây – Nam).

Thành phố không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi. Thành phố định hướng di dời các xí nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành cũ, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, không gây ô nhiễm môi trường. Về phát triển hệ thống giao thông, Thành phố chú trọng các trục vành đai và hướng tâm, đường trên cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường thủy, hàng không. Tổng quan hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt 1 ray (monorail), tổng chiều dài 219,25km. Ban quản lý Đường sắt Đô thị cho biết mục tiêu của Thành phố là đến năm 2020 hoàn thành tuyến metro số 1, năm 2024 hoàn thành tuyến metro số 2 giai đoạn 1 và tuyến metro số 5 giai đoạn 1.

Được biết, tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư 2017, Thành phố Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư vào 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong 116 dự án xã hội hóa có: 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, 1 dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, 1 dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao. Trong 11 dự án quốc gia có: 9 dự án hạ tầng giao thông, 1 dự án giáo dục đào tạo, 1 dự án y tế. Riêng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 dự án gồm: 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng  nhà hát nghệ thuật tổng hợp.

Chiều 11/10, ngay sau Hội nghị, ITPC phối hợp cùng các đơn vị đã tổ chức cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đi khảo sát thực tế các dự án đang mời gọi đầu tư, gồm: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên; Dự án Đường trung tâm và khu công viên chuyên đề - Khu đô thị Tây Bắc; Khu công nghiệp Hiệp Phước. (TTQH)


Copyright © 2016 Trung Tâm Thông Tin Quy Hoạch TP.HCM